Với nguyên tắc bác sai nổi tiếng, Karl Popper đã đề xuất một phương pháp
để phân biệt khoa học đích thực với phi khoa học và khoa học giả. Theo
Popper, ta không thể chứng minh một lý thuyết khoa học là đúng chỉ bằng
cách thêm vào các dữ liệu xác nhận. Chỉ cần một bằng chứng đi
ngược lại với lý thuyết là có thể đủ cho thấy lý thuyết đó là sai. Một lý
thuyết đưa ra các dự đoán mà không có cách nào kiểm nghiệm bác bỏ được
thì lý thuyết đó không phải là khoa học. Khoa học chỉ có thể tiến bộ
bằng cách đề xuất các lý thuyết và liên tục tìm kiếm các bằng chứng bác
bỏ để sửa đổi hoặc loại bỏ chúng.
|
Edmund Husserl được coi như người sáng lập hiện tượng học. Hiện tượng học giải thích thế giới quan của mỗi con người. Trong khi khoa học tập trung vào đối tượng trong thế giới và tìm kiếm những quy luật, đặc điểm chung của đối tượng, thì hiện tượng học tập trung vào ý thức của con người đối với đối tượng, và sự khác biệt về trải nghiệm của mỗi người đối với cùng một đối tượng.
Trước Husserl, triết học duy nghiệm cho rằng vũ trụ là tuyệt đối, ai nhìn cũng giống nhau, triết học duy lý cho rằng tâm trí của chủ thể là tuyệt đối, mọi thứ chỉ là suy nghĩ của tôi. Husserl cho rằng nếu vũ trụ là một đối tượng thì chỉ là đối tượng của một ai đó mà thôi. Đối với Husserl, vũ trụ không tuyệt đối, chủ thể cũng không tuyệt đối, phải luôn có cả hai: chủ thể và đối tượng. Đối tượng bao giờ cũng là đối tượng cho một ý thức, và ý thức bao giờ cũng là ý thức về một đối tượng. Do thế giới không có tính chất tuyệt đối, khoa học luôn phải tìm kiếm bản chất của hiện tượng dưới nhiều góc nhìn khác nhau, và việc tìm kiếm này không bao giờ dừng lại vì chúng ta không phải là Thượng đế có thể thấu triệt được mọi góc nhìn của đối tượng.
|